Cà phê đặc sản – triển vọng lạc quan cho ngành cà phê Việt Nam

Tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, có sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước là động lực để các doanh nghiệp lựa chọn sản xuất dòng sản phẩm cà phê mới – cà phê đặc sản, nâng cao tính cạnh tranh của cà phê Việt Nam.

Các nhà đầu tư, chuyên gia cà phê tham dự hội thảo Phát triển cà phê đặc sắc ở Việt Nam

Cà phê đặc sản (Specialty Coffee) ban đầu được định nghĩa là “Những hạt cà phê có hương vị thơm ngon được sản xuât tại những vùng địa lý có khí hậu đặc biệt”. Sau này, khái niệm này dần dần được phát triển và hoàn thiện hơn: không còn chỉ nằm ở yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu mà dựa trên một chuỗi khép kín từ khâu canh tác đến thu hoạch, sơ chế,…

Riêng ở Việt Nam, “Specialty Coffee” là một làn sóng thưởng thức mới được giới tri thức am hiểu về cà phê đặc biệt yêu thích. Specialty được xem là tiêu chuẩn cao nhất của cà phê Arabica, để được công nhận, những hạt cà phê cần trải qua quá trình đánh giá vô cùng nghiêm ngặt (người nông dân phải tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất từ chăm sóc, thu hái đến sơ chế, bảo quản sản phẩm,…). Theo Hiệp hội Cà phê đặc sản Thế giới (Specialty Coffee Association – SCA) cà phê cần đạt từ 80/100 điểm trở lên thì mới được xếp vào “Specialty Coffee”. Từ năm 2015 – 2017, tại tỉnh Đắk Lắk, đã gửi 130 mẫu cà phê có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột để các chuyên gia quốc tế đánh giá về chất lượng, kết quả có 10% số mẫu đủ điều kiện trở thành cà phê đặc sản. Đặc biệt, Đà Lạt 2 lần gửi mẫu đi các nơi để xếp hạng thì Đà Lạt đều đạt với giá tăng gấp 2,5 lần so với giá thông thường.

Theo chia sẻ từ Ông Lương Văn Tự - chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam: Việt Nam đạt Huy chương Bạc cho lần thử nếm chất lượng cà phê năm 2018. Như vậy, Việt Nam đủ điều kiện về chất lượng để tham gia thị trường cà phê đặc sản, nhưng loại cà phê này chỉ chiếm 0,22% cho những người có nhu cầu tiêu dùng cà phê cao cấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Lê Quốc Doanh đưa ra nhận định: Cà phê là ngành hàng quan trọng với hơn 600 nghìn ha. Cà phê được đưa vào nhóm hàng hóa chủ lực quốc gia. Chính phủ đã thành lập Ban hỗ trợ cà phê quốc gia, riêng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Ban chỉ đạo tái canh cà phê quốc gia. Để thực hiện phát triển cà phê đặc sản, các bộ ban ngành Trung ương và địa phương cần phối hợp và tham khảo các chuyên gia quốc tế cùng các địa phương xây dựng chương trình cà phê đặc sản với lộ trình cụ thể ngay bây giờ…

Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Lâm Đồng xác định 4 vùng cà phê đặc sản Robusta và Arabica”. Sau 5 năm tái canh, cà phê Lâm Đồng đạt năng suất 31,3 tạ/ha. Đến nay, đã tái canh 54.000 ha cà phê. Cà phê đặc sản qua thực tiễn sản xuất ở Lâm Đồng xác định từ 6 yêu cầu: vùng sinh thái là yếu tố bât biến; thổ nhưỡng tạo hương vị khác biệt; nguồn giống quy định chất lượng, tính chống chịu biến đổi khí hậu vừa tự nhiên, vừa tác động công nghệ; kỹ thuật canh tác bền vũng, sinh học; yêu cầu thu hái tỉ lệ trái chín hơn 99%; đảm bảo địa lý xuất xứ canh tác để tránh gian lận thương mại.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản – Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: “Hộ sản xuất nhỏ dưới 1 ha chiếm 63%”. Diện tích cà phê 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) gần 578.000 ha, chiếm gần 90% diện tích cả nước. Tuy nhiên, cơ cấu giống cà phê Việt Nam chưa hợp lý, giống cà phê vối chiếm gần 93%; giống cà phê chè khoảng 7%. Trong đó các giống cà phê mới chọn lọc có năng suất, chất lượng cao chỉ chiếm 20%. Quy mô hộ sản xuất dưới 1 ha chiếm đến 63%.

Việc sử dụng phân bón thiếu cân đối, diện tích cà phê có sử dụng phân bón hữu cơ chỉ đạt 50%. Phần lớn hộ trồn cà phê tưới nước theo kinh nghiệm, phương pháp tưới gốc là chính, tưới phun mưa chỉ đạt 5% diện tích. Việc trồng cây che bóng và cây chắn gió chỉ chiếm hơn 18%. Đây là thách thức lớn trong việc phát triển cà phê bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên.

Ông Manuel Diaz – Chuyên gia tư vấn thị trường Mexico: “Thị trường cà phê Robusta tăng lên trong vài năm tới”. Cần tạo ra các giá trị  phân khúc thị trường của cà phê Robusta, hiện chiếm 40% thị trường và sẽ tăng lên 50% trong vài năm tới, như phân khúc thị trường cà phê có chứng nhận hữu cơ, bền vững; phân khúc cà phê thượng hạng dựa trên hương vị thơm, ngon đặc biệt… Đây là chìa khó cải thiện hương vị để phát triển thị trường chuyển hướng tiện dụng theo nhu cầu của người tiêu dùng. Thị trường 10 năm tới sẽ không đủ đất trồng cà phê Arabica, biến đổi khí hậu sẽ thiếu hụt sản lượng nên bù đắp sản lượng cà phê Robusta là cần thiết. Vấn đề còn lại là phải áp dụng canh tác, chế biến đạt hương vị chất lượng thượng hạng cạnh tranh trên thị trường.

 

Nguồn: Vietnambiz.vn