Tại sao cà phê lại có vị đắng
Một số người dùng sữa. Một số người khác lại cho thêm đường – mặc dù điều này không được các nhà khoa học khuyến khích – để “cải thiện” cái vị đắng của cà phê.
Các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân tại sao cà phê “đen” lại đắng đến như thế và đây là bước tiến đầu tiên giúp sản xuất ra một loại cà phê tự nhiên có vị nhẹ hơn.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các cuộc phân tích thành phần hoá học và sau đó là các thử nghiệm với sự tham gia của một số người đã được đào tạo để biết xác định độ đắng của cà phê.
Một tách cà phê có chứa hơn 30 chất hoá học góp phần tạo nên vị, mùi thơm cũng như vị chua của cà phê. “Tất cả mọi người đều cho rằng caffeine là hợp chất chủ yếu gây nên vị đắng của cà phê, nhưng thực tế lại không phải vậy” – Thomas Hofmann, Giáo sư khoa hóa thực phẩm tại trường đại học kỹ thuật Munich, Đức, đồng thời là người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Chỉ có 15% vị đắng của cà phê bắt nguồn từ caffeine”.
Các nhà khoa học cho biết quá trình rang cà phê là một trong những yếu tố tác động đến vị đắng của hạt cà phê. Càng rang lâu, hạt cà phê càng đắng.
Cách pha cà phê cũng có ảnh hưởng đến vị đắng của cà phê. Vị của cà phê khi được pha thủ công và pha bằng máy pha cà phê cũng khác nhau. Nhiệt độ, áp suất lúc pha cà phê sẽ tác động đến vị cà phê. Các loại cà phê như espressco theo kiểu ý thường đem lại một ly cà phê đẫm đặc, đầy hương thơm.
Thời gian bảo quản cà phê cũng ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Thời gian bảo quản lâu làm cho cà phê mất đi mùi vị và vị đắng của cà phê cũng biến chất.
“Bây giờ chúng ta đã biết vị đắng trong cà phê được tạo ra như thế nào, chúng ta sẽ có cách để có được những ly cà phê có vị như mong muốn” – Tiến sĩ Hofmann phát biểu.
Nguồn: Internet